Tỉnh thành sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động trước ngày 15/9.
Hà Nội – Sáng 16/4, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến hơn 21.000 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của khoảng 1,5 triệu cán bộ, đảng viên.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tiến trình sắp xếp các đơn vị hành chính đang được đẩy nhanh, trong đó các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập phải đi vào hoạt động trước ngày 15/8, còn cấp tỉnh sẽ hoàn thành và vận hành chính thức trước ngày 15/9. Đây là một phần trong kế hoạch lớn về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách hành chính.
Để đảm bảo tiến độ, các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan, dự kiến hoàn tất trước ngày 30/6 để kịp có hiệu lực từ 1/7. Những điều chỉnh trong Hiến pháp lần này chỉ giới hạn trong 8/120 điều, tập trung vào hai nhóm nội dung: tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; cùng với đó là mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) trong một số trường hợp cần được cân nhắc kỹ và đi kèm với các hướng dẫn cụ thể để tránh gián đoạn hoạt động quản lý, phục vụ nhân dân.

Cũng theo ông Mẫn, quá trình sắp xếp bộ máy sẽ ảnh hưởng tới hơn 19.000 văn bản pháp lý ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Bầu cử, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân… Những văn bản này sẽ được điều chỉnh phù hợp với mô hình hành chính mới.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phân định rõ ràng thẩm quyền giữa các cấp chính quyền, tránh chồng chéo và tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả điều hành tại địa phương. “Việc gì cấp xã làm được thì nên giao cho xã; việc gì cần lên cấp tỉnh thì phải xác định rõ để thuận tiện trong tổ chức thực hiện”, ông nói.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, sẽ có tới 31 dự án luật và 12 nghị quyết được thông qua, cùng với việc cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác – khối lượng công việc được đánh giá là lớn chưa từng có.
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử sắp tới, ông Mẫn thông tin, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026. Quốc hội khóa mới dự kiến họp phiên đầu tiên vào ngày 6/4/2026, nhằm nhanh chóng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tổng số đại biểu Quốc hội vẫn giữ ở mức 500 người, trong đó ít nhất 40% là đại biểu chuyên trách. Việc phân bổ đại biểu HĐND các cấp sẽ dựa theo quy mô dân số tại từng đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. Đặc biệt, kỳ bầu cử tới sẽ ưu tiên lựa chọn những người có trình độ khoa học công nghệ và nền tảng pháp lý vững vàng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sắp tới.
🔔 Xem thêm các tin tức sự kiện nổi bật
🎭 Xem thêm các thông tin giải trí
🔗 Website tương tự