Chính phủ sẽ thử nghiệm cơ chế cho công nghệ mới.

Chính phủ sẽ thử nghiệm cơ chế cho công nghệ mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước theo phương thức vừa thiết kế vừa thi công,

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số “đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững”. Đây cũng là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triên kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh và góp phần đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội.

Để thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao nhận thức, tạo đột phá trong đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị nhằm lãnh đạo, thúc đẩy xung lực và khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 13/1. Ảnh: Phạm Thắng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 13/1

Phong trào học tập và nâng cao kiến thức khoa học công nghệ trong toàn xã hội sẽ được xây dựng và đẩy mạnh. Chính phủ cũng sẽ quyết liệt hoàn thiện thể chế, loại bỏ mọi tư tưởng, quan niệm và rào cản đang cản trở sự phát triển. Thể chế sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, đây là nhóm nhiệm vụ “đặc biệt quan trọng” nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Những quy định không phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ sẽ được rà soát và hoàn thiện theo hướng “vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó”, với cấp nào vướng mắc thì cấp đó chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện.

Dự luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cùng với Luật Công nghiệp công nghệ số, sẽ được tập trung xây dựng và trình Quốc hội thông qua vào năm 2025. Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực khoa học công nghệ để trình Quốc hội thông qua, trong đó có cơ chế đặc thù về đầu tư công, mua sắm công cho sản phẩm, dịch vụ số theo trình tự thủ tục rút gọn. Cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước (sandbox) cũng được xây dựng và thực hiện theo phương thức “vừa thiết kế vừa thi công”.

Giai đoạn 2021-2024, Việt Nam mới thu hút được 2,5 tỷ USD đầu tư mạo hiểm, “chưa tương xứng tiềm năng”, nên sắp tới Chính phủ sẽ có quy định Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược

Thủ tướng cho biết đầu tư hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là chiến lược mang tính nền tảng. Trong đó, hạ tầng số ưu tiên đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược sẽ được ban hành, ưu tiên lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa, y sinh học…

Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược sẽ được thành lập cùng với danh mục công nghệ chiến lược. “Ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học công nghệ là cần thiết để phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược”, Thủ tướng nhận định

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các sản phẩm công nghệ tại Nhà Quốc hội, sáng 13/1. Ảnh: Nhật Bắc
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các sản phẩm công nghệ được tập đoàn FPT trưng bày tại Nhà Quốc hội, sáng 13/1.

Chính phủ cũng rà soát chiến lược nghiên cứu không gian biển, ngầm và vũ trụ; đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu thử nghiệm, Trung tâm dữ liệu quốc gia. Hiện toàn quốc mới có 4 trung tâm dữ liệu, bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia, “còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển”.

“Chúng ta phải quyết tâm phủ sóng 5G trên toàn quốc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phát triển mạnh Starlink”, Thủ tướng nói.

Trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ

Người đứng đầu Chính phủ cho biết nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được trọng dụng bởi đây là “chìa khóa vạn năng mở ra thành công”.

Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng đội ngũ nhân lực hùng hậu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số; có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam. Nhiều cơ chế đặc biệt sẽ được áp dụng như nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập… nhằm giữ chân nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, tổng công trình sư.

Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ được đẩy mạnh. Đây “không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy then chốt nâng tầm hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia”.

Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian tới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, bởi đây là đầu tàu, nòng cốt của hệ sinh thái này. Chính phủ sẽ xây dựng đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu và có cơ chế đặc hàng, giao nhiệm vụ.

Các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước cũng được hình thành để triển khai hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược và an toàn an ninh mạng. Chính phủ đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhất là lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn

Chính phủ sẽ thử nghiệm cơ chế cho công nghệ mới
Đại biểu dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sáng 13/1.

Chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được xây dựng với tinh thần “lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu là trụ cột, nhà khoa học, học sinh, sinh viên là chủ thể”.

Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng tiến bộ tiên tiến. “Những lĩnh vực được ưu tiên là trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử, vũ trụ”, Thủ tướng nói

🔔 Xem thêm các tin tức sự kiện nổi bật
🎭 Xem thêm các thông tin giải trí
🔗 Website tương tự

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *