Tổng Bí thư Tô Lâm: Uống nước nhớ nguồn – Truyền thống bất diệt, sức mạnh trường tồn của dân tộc
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết sâu sắc, thấm đẫm đạo lý dân tộc, thể hiện lòng tri ân sâu nặng với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự phồn vinh của Tổ quốc. Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Tháng Bảy – tháng của những hoài niệm thiêng liêng, tháng của lòng biết ơn và tri ân sâu sắc. Cứ đến dịp này hằng năm, nhân dân cả nước lại dâng trào cảm xúc, tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh – những con người đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ, cuộc đời mình để bảo vệ từng tấc đất, từng mái nhà, từng nhịp sống thanh bình cho đất nước.
Ngày 27/7 không chỉ là ngày tưởng niệm, mà còn là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thể hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc – “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đó là sợi dây vô hình nhưng bền chặt, kết nối các thế hệ người Việt Nam, trở thành ngọn lửa soi đường, nguồn sức mạnh tinh thần bất tận giúp đất nước vững vàng vượt qua mọi thử thách.
Hơn 4.000 năm lịch sử đã tạo nên một dân tộc kiên cường, bất khuất – nơi lòng yêu nước, ý chí quật cường và tinh thần đấu tranh không khuất phục trước bất kỳ thế lực nào luôn cháy sáng. Từ thời Hùng Vương dựng nước đến những cuộc kháng chiến vệ quốc trường kỳ, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trước hiểm nguy, chưa một lần chịu khuất phục trước ngoại bang.
Đặc biệt, trong hành trình 95 năm dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn 80 năm xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống để Tổ quốc được hồi sinh, để non sông liền một dải, để nhân dân được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Máu đào của họ đã nhuộm thắm hồn thiêng sông núi, tô hồng trang sử vàng của dân tộc.
Chúng ta không thể có một Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập như hôm nay nếu thiếu đi sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh – những chiến sĩ nơi chiến trường, những mẹ già tiễn con đi không hẹn ngày trở lại, những người dân thầm lặng góp từng giọt mồ hôi, hạt gạo cho kháng chiến, với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 10 triệu người có công với cách mạng là những ngọn đuốc sống soi rọi tâm hồn dân tộc. Trên khắp mọi miền đất nước, hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 4.000 công trình tưởng niệm đã và đang giữ gìn ký ức lịch sử hào hùng, nhắc nhớ hậu thế về lòng quả cảm, tình yêu nước và sự hy sinh vĩ đại. Trong tim hơn 100 triệu người dân Việt luôn có một góc linh thiêng dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải chăm lo chu đáo, thiết thực cho thương binh, liệt sĩ, gia đình có công… Không để ai bị đói rét hay lẻ loi trong chính quê hương mình”. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong suốt những năm qua.
Những ngôi nhà tình nghĩa, những suất quà 27/7, những văn bản chính sách – từ Chỉ thị 14 của Ban Bí thư, Nghị quyết 42 của Trung ương đến Pháp lệnh ưu đãi người có công… – không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà còn là sự thể hiện sâu sắc đạo lý và tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tấm lòng tri ân – Cội rễ tinh thần của dân tộc Việt Nam trong hành trình phát triển
Trong bối cảnh mới, để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa, cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong việc bảo vệ quyền lợi, thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công. Tuyệt đối không để xảy ra sai sót, chậm trễ, hình thức trong thực hiện chính sách.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng công bằng, minh bạch, đúng đối tượng; đồng thời mở rộng chính sách đến những người có đóng góp thực sự mà chưa được ghi nhận thỏa đáng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận và giải quyết chế độ.
Thứ ba, ưu tiên nguồn lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng. Tiếp tục mở rộng các chương trình hỗ trợ nhà ở, y tế, đào tạo nghề, việc làm bền vững.
Thứ tư, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi chính sách, làm méo mó giá trị đạo lý cao đẹp.
Thứ năm, đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân người có công trong toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Gắn nội dung này vào chương trình học, hoạt động ngoại khóa để đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” thấm sâu từ nhận thức đến hành động.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hệ thống dữ liệu người có công để quản lý hiệu quả, đồng bộ. Kết nối liên thông giữa các cấp, địa phương, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học trong tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.
Thứ bảy, tổ chức các hoạt động tri ân thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Phát động phong trào “Toàn dân chăm sóc người có công” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, an sinh xã hội bền vững.
Những nhiệm vụ nêu trên không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng – thể hiện đạo lý làm người của dân tộc ta. Mỗi hành động tri ân, mỗi nghĩa cử đền đáp đều góp phần làm giàu thêm bản sắc Việt, tiếp nối mạch nguồn thiêng liêng của lòng yêu nước, nhân nghĩa và đoàn kết toàn dân. Đó là hành trang quý báu để dân tộc ta vững bước đi lên, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, văn minh – xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.